TÓM TẮT MÔ HÌNH KHỦNG HOẢNG TIỀN TỆ THỨ BA
1. MÔ HÌNH KHỦNG HOẢNG TIỀN TỆ THỨ BA:
Xuất phát từ hệ thống nội địa kém ổn định, quá tập trung vào các ngân hàng, quá tin tưởng vào sự phát triển của các định chế tài chính nhưng lại thiếu biện pháp giám sát. Hệ thống kém phát triển thì chiều sâu tài chính bị hạn hẹp nhưng lại mở ra tự do hóa tài chính. Tự do hóa tài chính này thể hiện bằng các dòng vốn vào gia tăng một cách mạnh mẽ nhưng dòng vốn này lại nghiên về các dòng vốn ngắn hạn cho nên dẫn đến là các ngân hàng vay các khoản vay ngắn hạn nhưng lại cho vay dài hạn tạo nên sự bất cân xứng về kì hạn giữa tài sản nợ và tài sản có, làm nợ ngoại tệ và kì hạn ngắn gia tăng. Mặc khác, các khoản vay ngoại tệ này ngày càng gia tăng thì nguy cơ biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán, khi vay nhiều thì các ngân hàng sẽ cho vay kém kiểm soát cho nên rủi ro tín dụng tăng cao, tỷ lệ nợ khó đòi sẽ gia tăng. Đó là hệ quả của tự do hóa tài chính mà hệ thống nội địa kém phát triển. Bên cạnh đó, có sự sai lầm trong các chính sách vĩ mô, đó là thực hiện cơ chế tỷ giá hối đoái cố định, chính phủ hy sinh chính sách độc lập tiền tệ, các công cụ của chính sách tiền tệ chạy theo để ổn định tỷ giá. Và thông thường các quốc gia này có khuynh hướng là định giá cao đồng nội tệ, nhưng càng định giá cao đồng nội tệ thì thâm hụt thương mại sẽ gia tăng làm mất cân đối cán cân thanh toán của một quốc gia dẫn đến nguy cơ khủng hoảng.
Thêm vào đó, như đã nói lúc đầu do hệ thống nội địa kém phát triển sẽ dẫn đến đầu tư kém hiệu quả do phân bổ các nguồn vốn sai lệch, tham nhũng xảy ra và sẽ dùng những nguồn vốn này không phải cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà là cho các cá nhân. Do dòng vốn vào tăng nhanh, đầu tư quá mức sẽ làm cho giá trị các tài sản tài chính tăng cao hơn giá trị thực làm xuất hiện bong bóng tài sản. Hệ quả là đến một lúc nào đó bong bóng sẽ vỡ, giá các tài sản sẽ nhanh chóng rớt giá trở về giá trị thực của nó. Như vậy sự giảm giá đột ngột của các tài sản tài chính, sụt giảm cán cân thương mại buộc chính phủ phải áp dụng các biện pháp can thiệp mà một trong các biện pháp đó là lãi suất. Lãi suất các khoản ngắn hạn gia tăng để huy động nguồn vốn và lãi suất các khoản vay cũng tăng làm tỷ lệ nợ khó đòi cao, ngân hàng mất khả năng thanh tóan trong hoạt động của mình do bất cân xứng về các kì hạn tài sản có và tài sản nợ. Điều này sẽ dẫn đến khủng hoảng xảy ra. Dấu hiệu khủng hoảng đó là tấn công tiền tệ của các nhà đầu cơ, dòng vốn bị đảo ngược, ngân hàng mất khả năng thanh toán và tuyên bố phá sản, các doanh nghiệp cũng không thể hoạt động tuyên bố phá sản.
2. KHỦNG HOẢNG ĐÔNG Á 1997 – 1998:
Trước khủng hoảng
- Từ đầu thập niên 1990, tự do hóa tài chính được tiến hành với nhịp độ từ từ ở Đông Á. Mặc dù vậy, chính phủ vẫn can thiệp trong phân bổ tín dụng, dẫn tới tâm lý ỷ lại.
- Trong giai đoạn 1990-97, lượng vốn tư nhân chảy vào các nước đang phát triển tăng 5 lần từ 42 tỷ USD lên 256 tỷ USD. Đông Á là nơi thu hút một lượng lớn dòng vốn này, chiếm tới 60% tổng vốn.
- Tỷ giá hối đoái được cố định.
Kết quả:
+ Tín dụng tăng trưởng cao, tỷ lệ nợ/vốn sở hữu của khu vực doanh nghiệp rất lớn, và bong bóng giá tài sản xuất hiện.
+ Tăng trưởng GDP cao: Giai đoạn 1990-96 của Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia đạt 8%.
Những mất cân đối vĩ mô 1997
- Từ năm 1996, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Á bắt đầu chững lại.
- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các nước Đông Á ở mức 19-21% trong năm 1995 giảm xuống 4% trong năm 1996.
Nguyên nhân:
+ Tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm.
+ Đồng yên mất giá và tỷ giá hối đoái thực hiệu dụng của các nước Đông Á lên giá.
+ Lượng cầu và giá của các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là điện tử, suy giảm.
- Thâm hụt vãng lại xuất hiện và được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ ngắn hạn nước ngoài.
- Những yếu kém trong hệ thống tài chính (nợ khó đòi ngày càng lớn sau nhiều năm gia tăng tín dụng chỉ định).
Khủng hoảng nổ ra
- Những yếu kém trong hệ thống tài chính và mất cân đối vĩ mô khiến các nhà đầu tư tính tới khả năng các đồng nội tệ ở Đông Á có thể bị phá giá.
- Những hoạt động đầu cơ tiền tệ trong từ giữa năm 1996 tại Thái Lan khiến dự trữ ngoại tệ giảm một phần và lãi suất tăng lên. Lãi suất tăng làm giảm giá bất động sản, dẫn tới sự sụp đổ của nhiều công ty tài chính.
- Những người vay ngoại tệ trước đây tin rằng tỷ giá hối đoái được cố định thì nay bắt đầu lo ngại và cũng mua đô la vào để đảm bảo có đô la để trả nợ khi đáo hạn. Chính phủ Thái Lan ban đầu dùng dự trữ ngoại tệ để bảo vệ tỷ giá nhưng cũng không có khả năng duy trì được lâu. Đồng bath được thả nổi vào đầu tháng 7 năm 1997 và ngay lập tức mất giá 10%, rồi giá trị tiếp tục giảm xuống sau đó.
- Khủng hoảng nhanh chóng lan ra Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia.
Khủng hoảng kép
- Đi liền với khủng hoảng tiền tệ là khủng hoảng ngân hàng. Lãi suất cao trong thời gian chính phủ bảo vệ tỷ giá buộc cả các tổ chức tài chính và các đối tượng vay vốn lâm vào tình thế khó khăn.
- Khi đồng nội tệ bị phá giá, trách nhiệm nợ phải trả tính ra đồng nội tệ của các khoản nợ nước ngoài tăng vọt, kéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính.
- Các nhà đầu tư đều muốn chuyển vốn ra. Ngân hàng đòi lại vốn cho vay, từ chối đảo nợ và ngưng cho vay mới; còn các nhà đầu tư chứng khoán thì bán chứng khoán, đổi ra ngoại tệ và chuyển ra ngoài. Riêng trong năm 1997, hơn 20 tỷ USD ròng được đưa ra khỏi 5 nước Đông Á chịu khủng hoảng, trong khi trong năm 1996 vẫn còn nhận được gần 66 tỷ USD.
Post a Comment